KHÁNG KHÁNG SINH Ở CHÓ MÈO

Kháng kháng sinh là một vấn đề rất nghiêm trọng gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và động vật trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm 40%, đứng thứ 4 châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc. Theo Đại học Oxford, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, mỗi năm sẽ có tới 10 triệu người tử vong mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh không còn hiệu quả trong điều trị các bệnh thông thường.

Vậy kháng kháng sinh là gì? Ảnh hưởng của vật nuôi với kháng kháng sinh là gì?

Hình 1. Số người tử vong ước tính do vi khuẩn kháng kháng sinh mỗi năm tính vào 2050 trên toàn thế giới

Kháng kháng sinh (AMR: AntiMicrobial Resistance) xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh phát triển khả năng kháng lại các loại thuốc kháng sinh được thiết kế để tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của chúng. Điều này có nghĩa là vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng khuẩn và tiếp tục phát triển. Nhiễm trùng do các sinh vật kháng thuốc kháng sinh gây ra rất khó điều trị dẫn đến các phác đồ điều trị thông thường trở nên không hiệu quả thậm chí không thể điều trị được từ đó làm kéo dài thời gian điều trị gây tốn kém thậm chí có nguy cơ tử vong.

Ở Việt Nam, việc nuôi thú cưng dần trở thành xu thế dẫn đến số lượng thú cảnh tăng lên khá nhanh. Theo thống kê 2021 của Cục Thú y, cả nước có trên 5 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn cả nước trên 7,5 triệu con (Cục Thú y, 2021). Chúng được coi như một thành viên trong gia đình, tiếp xúc gần gũi với con người điều này làm tăng nguy cơ truyền lây các mầm bệnh từ chó mèo sang con người.

Một số nghiên cứu về thú y trong những năm gần đây đã chỉ ra chó, mèo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, vận chuyển và truyền vi khuẩn kháng kháng sinh sang chủ nuôi. Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Anh phân tích các chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) ở chó, mèo cho thấy: con người và vật nuôi dễ dàng chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho nhau.

Trong một nghiên cứu khác năm 2009, các nhà nghiên cứu đã quét các bề mặt gia đình tại 35 ngôi nhà được chọn ngẫu nhiên và tìm thấy MRSA trong hơn một nửa trong số đó. Khi tìm kiếm, xem xét các yếu tố làm tăng khả năng chứa vi khuẩn kháng kháng sinh trong nhà, họ phát hiện ra rằng sự hiện diện của MRSA ở những ngôi nhà có mèo nhiều hơn gấp 8 lần.

Hiệp hội Thú y Hoa Kỳ (AVMA) đã chỉ ra rằng, 82% bác sĩ thú y rất lo ngại về việc nhiễm các vi khuẩn kháng kháng sinh ở chó và mèo. AVMA đã hợp tác với các nhà vi sinh vật học, dịch tễ học và chuyên gia thú y để xác định các mầm bệnh kháng thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe động vật ở Hoa Kỳ. Các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn kháng thuốc có nguồn gốc từ chó mèo bao gồm:

  • Staphylococcus spp.

− S. aureus

− S. pseudintermedius

− S. schleiferi

  • Enterobacteriaceae

 − Escherichia coli

− Proteus spp.

− Klebsiella spp.

  • Acinetobacter spp.
  • Pseudomonas aeruginosa
  • Enterococcus spp.

− Enterococcus faecalis

− Enterococcus faecium

  • Campylobacter jejuni

Do vậy, trong điều trị thú y, đặc biệt là điều trị thú cảnh (chó, mèo, …), việc nuôi cấy – định danh – kháng sinh đồ để xác định các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, xác định loại kháng sinh phù hợp khi điều trị trong thời gian dài nhưng không hiệu quả là yếu tố đặc biệt quan trọng. Các kết quả xét nghiệm (nuôi cấy – định danh – kháng sinh đồ) góp phần không nhỏ trong việc chuyên nghiệp hoá, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tối đa mức độ kháng thuốc kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh trong thú y thời điểm hiện nay.

Tư vấn trực tiếp