KHÁNG SINH ĐỒ TRONG THÚ Y

Kháng kháng sinh tạo thành gánh nặng toàn cầu và là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù sự xuất hiện của các vi sinh vật kháng thuốc là một hiện tượng tự nhiên, nhưng việc lạm dụng hoặc sử dụng không hợp lý các chất kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trong nhân y và cả thú y. Kháng sinh ngày càng mất dần tác dụng với vi khuẩn dẫn đến quá trình điều trị bệnh súc gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, tăng nguy cơ tử vong. Vậy giải pháp nào hạn chế được sự kháng khuốc, tăng khả năng điều trị bệnh nhiễm trùng trong thú y? Đó chính là kháng sinh đồ.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp 1 số thông tin giúp các Bác sỹ thú y lâm sàng hiểu rõ hơn về kỹ thuật này.

Kháng sinh đồ là gì?

Kháng sinh đồ là phương pháp thực hiện nhằm xác định mức độ nhạy cảm của kháng sinh thử nghiệm đối với vi khuẩn gây bệnh, từ đó sẽ lựa chọn được kháng sinh phù hợp để điều trị tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

Hình 1: Nuôi cấy vi khuẩn
Hình 1: Nuôi cấy vi khuẩn

Kháng sinh đồ được thực hiện trong trường hợp nào?

Phương pháp kháng sinh đồ được yêu cầu thực hiện trong những trường hợp sau:

– Trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn và chưa sử dụng kháng sinh. Các bác sĩ thú y điều trị sẽ yêu cầu tìm ra kháng sinh phù hợp nhất để điều trị nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ kháng kháng sinh xảy ra.

– Nhiễm khuẩn nặng.

– Vật nuôi bị nhiễm khuẩn do nguyên nhân vi khuẩn, đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả. Khi đó, cần phải xác định lại mức độ tác dụng của thuốc đối với vi khuẩn để có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phác đồ cho phù hợp.

– Những trường hợp vi khuẩn đã nhờn thuốc, cần phải kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc hoặc phải dùng kháng sinh mạnh hơn.

Các bước thực hiện phương pháp kháng sinh đồ 

Bước 1: Khi nghi ngờ bị nhiễm khuẩn, bác sĩ thú y sẽ yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm tại vị trí tổn thương và tiến hành gửi mẫu nuôi cấy phân lập – định danh – kháng sinh đồ.

Các mẫu bệnh phẩm có thể lấy ở động vật mắc bệnh bao gồm: nước tiểu, dịch mũi, dịch hầu họng, dịch vết thương, mủ, dịch xoang bụng, phân….

Bảo quản và vận chuyển về phòng xét nghiệm trong 4-8h.

Bước 2: Phòng xét nghiệm sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm sẽ tiến hành nuôi cấy trên môi trường thích hợp nhằm kích thích sự phát triển của vi khuẩn.

Bằng các kỹ thuật nhuộm soi, thử tính chất sinh hóa học, test định danh để xác định được chủng loại vi khuẩn và tiến hành làm kháng sinh đồ đối với vi khuẩn đó.

Hình 1: Xác định nồng độ tối thiểu ức chế vi khuẩn (MIC)
Hình 2: Khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch (Kirby Bauer)

Hai phương pháp làm kháng sinh đồ phổ biến nhất là:

  • Xác định nồng độ tối thiểu ức chế vi khuẩn (MIC)
  • Khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch (Kirby Bauer)

Vai trò, ý nghĩa của kháng sinh đồ

– Giúp các bác sĩ thú y lâm sàng lựa chọn được loại kháng sinh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tránh dùng nhiều loại kháng sinh không nhạy cảm với vi khuẩn, hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc một cách bừa bãi, tràn lan.

– Giúp giám sát tình hình sử dụng kháng sinh, từ đó có các chiến lược cụ thể nhằm hạn chế tình hình kháng thuốc của vi khuẩn, giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các kháng sinh mới/dạng thuốc mới ít đề kháng hơn.

Kỹ thuật kháng sinh đồ chính là giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu tình trạng điều trị kém hiệu quả, thiếu cơ sở và nguy cơ kháng thuốc kháng sinh tràn lan trong thú y như hiện nay.

– Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Thú y VLAB đang triển khai kỹ thuật kháng sinh đồ giúp hỗ trợ các bác sĩ thú y sớm tìm ra kháng sinh tốt nhất cho các ca bệnh và điều trị bệnh hiệu quả cho động vật.

Tư vấn trực tiếp